2022-04-13 11:35:21
Khái niệm về tài chính vi mô, Hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam
Tài chính vi mô (TCVM) là việc cấp cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp các khoản vay nhỏ (tín dụng vi mô), nhằm hỗ trợ việc xóa đói giảm nghèo, giúp họ có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất hoặc bắt đầu kinh doanh nhỏ để cải thiện thu nhập. Những người nghèo thường có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm tài chính, tuy nhiên họ rất khó để đáp ứng các nhu cầu về điều kiện và hồ sơ vay tại các Ngân hàng, Tổ chức tín dụng chính quy. Ưu điểm lớn nhất của TCVM chính là thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp vốn và nhận vốn ngay tại nơi sinh sống của người dân nghèo.
Căn cứ Khoản 5 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, Tổ chức Tài chính vi mô (Tổ chức TCVM) là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.
Tại khoản 6 Điều 6 Luật này có quy định: “Tổ chức TCVM được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn”; do vậy, các tổ chức này thường được goi là Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn.
Trên phương diện xã hội, TCVM có những đóng góp đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn và các dịch vụ tài chính hợp pháp, góp phần vào phát triển kinh tế nông thôn.
Hoạt động của tổ chức tài chính vi mô được quy định từ Điều 119 đến Điều 122 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và được hướng dẫn tại Chương V Thông tư 03/2018/TT-NHNN như sau:
Điều 32. Nội dung hoạt động.
1. Tổ chức tài chính vi mô được thực hiện các hoạt động theo nội dung ghi trong Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
2. Tổ chức tài chính vi mô được thực hiện các hoạt động huy động vốn sau:
a) Nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam dưới các hình thức sau đây:
(i) Tiết kiệm bắt buộc;
(ii) Tiền gửi tự nguyện;
b) Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, và các cá nhân, tổ chức khác trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức tài chính vi mô chỉ được thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam đối với các khách hàng tài chính vi mô và khách hàng khác để sử dụng vào các hoạt động tạo thu nhập và cải thiện điều kiện sống. Khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô có thể được bảo đảm bằng tiết kiệm bắt buộc, bảo lãnh của nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn theo quy định của tổ chức tài chính vi mô.
4. Tổ chức tài chính vi mô phải duy trì tỷ lệ tổng dư nợ các khoản cho vay đối với khách hàng tài chính vi mô trong tổng dư nợ cho vay tối thiểu 90%.
5. Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với một khách hàng tài chính vi mô không được vượt quá 50 (năm mươi) triệu đồng.
Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với một khách hàng khác không được vượt quá 100 (một trăm) triệu đồng.
6. Tổ chức tài chính vi mô được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại. Tổ chức tài chính vi mô không được mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.
7. Tổ chức tài chính vi mô được thực hiện một số hoạt động kinh doanh khác sau:
a) Ủy thác, nhận ủy thác cho vay vốn;
b) Cung ứng các dịch vụ tư vấn tài chính liên quan đến lĩnh vực tài chính vi mô;
c) Cung ứng dịch vụ thu hộ, chi hộ và chuyển tiền cho khách hàng tài chính vi mô;
d) Làm đại lý cung ứng dịch vụ bảo hiểm.
Điều 33. Thời hạn hoạt động.
1. Thời hạn hoạt động của tổ chức tài chính vi mô được ghi trong Giấy phép tối đa không quá 50 (năm mươi) năm.
2. Tổ chức tài chính vi mô thực hiện việc thay đổi thời hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.