2022-08-22 09:25:29
Tiềm năng lớn của thị trường vay tiêu dùng trong năm 2022
Vào năm 2021, các khoản cho vay tài chính tiêu dùng đạt 67 tỷ USD, nhưng nợ xấu đã nhảy vọt lên 11%. Con số này tương đương 18% GDP và 40% doanh thu hàng hóa bán lẻ. Sản phẩm mua ngay trả sau ở Việt Nam mới đạt giá trị ở mức 500 triệu USD vào năm 2021, nhưng một năm trước đó, con số này chỉ là 270 triệu USD. Điều đó cho thấy tiềm năng của ngành tài chính tiêu dùng và những bước phát triển khả quan của thị trường này.
Gần đây, hoạt động cho vay của các công ty tài chính có sự gia tăng do các hạn chế vì đại dịch đang dần được tháo gỡ, động lực tăng trưởng vẫn không đồng đều giữa các bên tham gia thị trường. Trong khi những “gã khổng lồ” như FE Credit, HD Saison trở nên dễ bị ảnh hưởng do mạng lưới phân phối khoản vay là các địa chỉ vật lý bị gián đoạn đột ngột, các công ty non trẻ như Mcredit, Shinhan Finance, Viet Credit với mô hình kinh doanh nhỏ và linh hoạt hơn đã tìm thấy cơ hội mở rộng thị phần.
Trong các sản phẩm cho vay tiêu dùng chính trên thị trường, các khoản cho vay tiêu dùng lâu bền và các khoản vay cá nhân, cho vay tiền mặt đã tồn tại trong đại dịch tốt hơn các khoản vay khác. Bên cạnh nhu cầu tăng cao về tiền mặt trong thời kỳ kinh tế bất ổn, giãn cách xã hội cũng làm tăng nhu cầu tiêu dùng phục vụ mục đích làm việc và học tập từ xa, dẫn đến sự gia tăng của các khoản vay tiêu dùng lâu dài.
Trong năm 2021, 1,3 tỷ USD đã được huy động cho fintech tại Việt Nam. Hiện tại, tỷ lệ sử dụng ví điện tử tại Việt Nam đạt 66% trong số những người từ 16-29 tuổi. Trong một nghiên cứu về thói quen mua sắm trực tuyến ba năm trước, 95% các khoản thanh toán mua sắm trực tuyến là tiền mặt khi giao hàng. Ngày nay ở độ tuổi 16-29, chỉ có 64% trả tiền mặt khi giao hàng. Đây là bước tiến bộ lớn đối với các nền tảng thương mại điện tử.
Sự thay đổi về thói quen mua sắm, thanh toán cũng sẽ là một yếu tố chính thay đổi thị trường tài chính tiêu dùng trong vài năm tới. Hiện tại, các công ty tài chính đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng cao từ các công ty nhỏ mới nổi, các công ty fintech khởi nghiệp... Vì thế, các công ty tài chính này đang khai thác sâu hơn vào phân khúc thu nhập ngoài lãi sản phẩm để nâng cao lợi nhuận trong khi giảm phụ thuộc vào các hoạt động kinh doanh, thông thường là các sản phẩm cho vay tín chấp. Hoạt động thương mại trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng đang nóng lên, được thúc đẩy bởi nguồn vốn nước ngoài dồi dào dưới cả hình thức mua lại trực tiếp và mua lại gián tiếp thông qua công ty mẹ trong khu vực.