2023-04-14 14:57:51
Để bảo đảm an toàn, bảo mật cá nhân, bạn cần lưu ý các điều sau
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn tiếp diễn, người dân gặp khó khăn về tài chính, nên nhu cầu về vay tín dụng của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, vì nhu cầu gấp gáp, nhanh chóng và thuận lợi mà nhiều người dân đã rơi vào các bẫy tín dụng đen khi vay tiền qua hàng loạt các App trên điện thoại dẫn đến không có khả năng thanh toán, phát sinh các khoản tiền phạt và các trách nhiệm pháp lý liên quan. Bài viết nhằm trang bị kiến thức cho người dân và một số biện pháp phòng tránh rủi ro khi vướng vào vòng xoáy tín dụng đen nói riêng, và giao dịch trực tuyến nói chung.
Khách hàng không nên tiếp nhận tư vấn cho vay tài chính qua mạng xã hội, zalo, facebook hoặc cung cấp các thông tin cá nhân trên Mạng xã hội vì đối tượng có thể lợi dụng để khai thác thông tin và lừa đảo. Chỉ thực hiện việc xử lý hồ sơ tại các điểm giới thiệu dịch vụ của công ty; chỉ nên tiếp nhận thông tin tư vấn từ số máy bàn của công ty hoặc tổng đài, hạn chế tiếp nhận thông tin tư vấn từ số điện thoại di động; tìm hiểu kỹ về việc công ty có yêu cầu cung cấp giấy tờ bản gốc hay không. Trong trường hợp công ty không yêu cầu, mà người tự nhận là nhân viên yêu cầu cung cấp bản chính giấy tờ để lưu giữ thì khách hàng phải đề cao cảnh giác và cần kiểm tra lại thông tin. Cụ thể:
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ như: số thẻ, mã PIN, số CVV, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, câu hỏi bảo mật, các thông tin khác liên quan đến việc sử dụng thẻ ,… cho bất kỳ ai và dưới bất cứ hình thức nào;
- Không cung cấp mã bảo mật (OTP) cho bất kỳ ai kể cả người thân;
- Không để người khác chụp hình cá nhân và/ hoặc các giấy tờ tùy thân, thẻ tín dụng;
- Cẩn thận trong các giao dịch qua mạng/ điện thoại/ thư tín để không bị lộ, bị đánh cắp thông tin thẻ (số thẻ, số CVV,…) dẫn đến bị kẻ gian lợi dụng.
Khách hàng cần tìm hiểu “ai” đang cho mình vay. Trước khi vay tiền qua bất kỳ hình thức nào, khách hàng cần phải tìm hiểu xem Người/ Tổ chức/ Cá nhân/ App mà mình chuẩn bị vay tiền đứng sau là ai. Khách hàng cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín. Việc này có thể tìm trên website của App mà mình vay là của công ty nào, sau đó tra cứu mã số doanh nghiệp, địa chỉ và lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh đăng ký. Thông thường, một website hoặc một App cơ bản sẽ có các nội dung cơ bản như “Về chúng tôi”, “Điều khoản và chính sách”, “Liên hệ”… nhằm cung cấp thông tin cho khách hàng về công ty chủ quan. Nếu không có các nội dung cơ bản trên thì xác định đây là địa chỉ không đáng tin cậy, có thể bị giả mạo và dễ gây ra hậu quả khó lường.
Việc xác định được chủ thể cho vay qua App sẽ giúp khách hàng sử dụng các dịch vụ tốt hơn, hậu quả từ việc không có khả năng thanh toán của khách hàng sẽ thực hiện theo các quy định pháp luật. Tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.
Hoạt động vay tiêu dùng trực tuyến đang dần trở thành một xu thế vô cùng phổ biến vì vậy, Hhãy chọn các tổ chức tài chính uy tín và được pháp luật kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch về lãi suất và tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện nay, để biết các công ty tài chính cho vay tín chấp là các Tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép, khách hàng có thể truy cập vào đường link: Danh sách các công ty tài chính.
Khách hàng trước khi vay cần tìm hiểu kỹ nội dung hợp đồng, các thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ... trước khi quyết định vay tiền qua App. Khách hàng cần được trang bị các kiến thức, hiểu biết cơ bản để có thể tự bảo vệ mình trong những giao dịch tài chính. Chỉ ký xác nhận hợp đồng vay khi có thông tin về kỳ hạn trả lãi.
Để hạn chế tình trạng bị mắc bẫy tín dụng đen qua App, ngoài việc thông tin, hướng dẫn, cảnh báo... người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị thêm kiến thức để hiểu rằng khi vay tiền dù thủ tục có đơn giản cách mấy vẫn cần phải có những ràng buộc để nhân viên tín dụng thu hồi nợ. Không nên tin vào những quảng cáo cho vay tiền mà không cần điều kiện...