Hết sức cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội thời gian gần đây

2024-04-19 15:07:45

Khuyến cáo người dùng nâng cao cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo tinh vi

Hãy cập nhật thông tin về những thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên mạng xã hội gần đây.

Hiện nay, những nền tảng mạng xã hội lớn như TikTok, Facebook… thường bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng để tiếp cận người dùng, từ đó thực hiện nhiều chiêu thức chiếm đoạt tài khoản và tiền cá nhân. Dưới đây là những thủ đoạn tinh vi xuất hiện trên mạng xã hội thời gian gần đây mà người dùng cần đề cao cảnh giác:

I. Những thủ đoạn lừa đảo phổ biến gần đây:

1. Giả mạo cơ quan chức năng, yêu cầu tải ứng dụng dịch vụ công

Nhiều đối tượng tự xưng là Cơ quan chức năng, liên hệ với bạn qua điện thoại hoặc các ứng dụng mạng xã hội, yêu cầu bạn tải ứng dụng và cập nhật thông tin định danh cá nhân hoặc thay đổi thông tin khai thuế

Đối tượng gửi đường link giả mạo ứng dụng của Chính phủ hay Tổng cục Thuế, yêu cầu khách hàng tải ứng dụng về và tạo tài khoản. Yêu cầu bấm đồng ý cấp toàn bộ quyền cho ứng dụng hoạt động (Quyền này bao gồm cả TRUY CẬP dữ liệu cá nhân và ĐỌC TIN NHẮN).

Thực tế, sau khi làm theo hướng dẫn của đối tượng, thiết bị của bạn đã bị dính mã độc và bị chiếm quyền kiểm soát. Đối tượng sẽ dễ dàng đánh cắp thông tin đăng nhập của ngân hàng/ví điện tử, từ đó chiếm đoạt tiền của khách hàng.

 

2. Chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản Tiktok

Đối tượng kẻ gian tìm cách chiếm đoạt tài khoản TikTok của người dùng rồi sử dụng nguồn tiền đang liên kết với tài khoản TikTok để mua hàng; hoặc chiếm đoạt tài khoản Facebook rồi đăng bài viết kêu gọi bạn bè tham gia các chương trình khuyến mãi, bình chọn… giả mạo.

 

2. Giả mạo, lợi dụng các thương hiệu uy tín của ngân hàng, ví điện tử

Đối tượng lợi dụng tên tuổi của một số ví điện tử và ngân hàng uy tín, lập các tài khoản, fanpage giả mạo, thuyết phục người dùng quét mã QR hoặc nhấn vào đường link lạ, không rõ nguồn gốc nhằm mục đích liên kết tài khoản thanh toán của người dùng với tài khoản trên sàn thương mại điện tử của các đối tượng lừa đảo. Sau đó, đối tượng lừa đảo đăng nhập vào tài khoản thương mại điện tử mua hàng và chiếm đoạt tiền bất hợp pháp.

 

3. Mời chào tham gia các chương trình tri ân khách hàng, yêu cầu người dùng cung cấp OTP, quét mã QR hay nhấn vào đường link lạ để nhận thưởng:

Đối tượng mời chào tham gia các chương trình giả mạo tri ân khách hàng, ưu đãi, khuyến mãi, điều kiện nhận thưởng là yêu cầu người dùng cung cấp mã xác thực (OTP) hoặc kích hoạt dịch vụ trên ví điện tử, app ngân hàng rồi nhấn vào đường link/quét mã QR để xác thực nhận thưởng, nhưng thực chất đây là link mua hàng trên sàn thương mại điện tử của đối tượng lừa đảo.

 

II. Những điều KHÔNG LÀM tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng:

- KHÔNG tải các ứng dụng lạ từ các đường link không rõ nguồn gốc;

- Tuyệt đối KHÔNG cấp toàn bộ quyền cho ứng dụng lạ, không rõ nguồn gốc khi không biết rõ những dữ liệu nào của bạn sẽ bị thu thập.

- Không cung cấp mật khẩu, mã xác thực (OTP): Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, OTP,… cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào (kể cả ảnh chụp màn hình hay điền vào đường link được cung cấp). Mọi đề nghị cung cấp mật khẩu và OTP đều là lừa đảo.

Không nhấn vào các ứng dụng, website, fanpage, group giả mạo: Không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc, không nhấn vào đường link hay quét mã QR lạ từ các email, tin nhắn khả nghi.

- Không tin vào bất cứ đối tượng lạ nào gọi điện đến số điện thoại của bạn, nhắn tin cho bạn hoặc quảng cáo trên mạng xã hội. 

 

III. Những điều NÊN LÀM để nâng cao cảnh giác và bảo mật thông tin cá nhân:

- Luôn kiểm chứng thông tin bằng cách liên hệ trực tiếp đến các đơn vị chính thống.

- Chỉ tải các ứng dụng trên các kho ứng dụng uy tín, cụ thể Google Play và App Store nếu có nhu cầu sử dụng. 

Luôn bật tính năng bảo mật 2 lớp (2-factor authentication) khi dùng mạng xã hội: Với chế độ bảo mật 2 lớp, muốn đăng nhập tài khoản phải vượt qua hai bước xác thực là mật khẩu cá nhân và mã xác thực được tạo ra từ thiết bị di động hoặc mã PIN đặc biệt (OTP/ứng dụng xác thực/email hoặc tin nhắn văn bản). Điều này giúp tăng cường an toàn bởi ngay cả khi mật khẩu bị rò rỉ, kẻ gian cũng cần phải có thông tin xác thực thứ hai để truy cập tài khoản, từ đó bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng khỏi hành vi truy cập trái phép.

Theo dõi thông tin ưu đãi, khuyến mãi trên các kênh chính thức của các nhà cung cấp dịch vụ: Người dùng chỉ nên cập nhật và tin tưởng thông tin về chương trình ưu đãi, khuyến mãi qua các kênh chính thức của thương hiệu.

Tỉnh táo và nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi mời chào giúp lấy lại tiền đã mất do bẫy lừa đảo trước đó: Các cuộc gọi mời chào giúp lấy lại tiền đã mất thường là một phần trong chuỗi lừa đảo của đối tượng xấu, nhằm chiếm đoạt thêm tiền của người dùng đang trong tâm lý tiếc nuối vì bị mất tiền từ bẫy lừa đảo trước đó.

-  Cập nhật thông tin về các chiêu thức lừa đảo công nghệ cao: Liên tục cập nhật thông tin về các hình thức lừa đảo trên mạng, các kiến thức an toàn bảo mật thông tin cá nhân để bảo vệ tiền và tài khoản cá nhân một cách tốt nhất.

Chia sẻ tới cộng đồng các thủ đoạn lừa đảo để giúp nhau tránh sập bẫy: Trong trường hợp không may gặp phải các tình huống lừa đảo, hãy báo cho các cơ quan chức năng, lan tỏa câu chuyện lên mạng xã hội để cảnh báo tới cộng đồng các chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo mới.