Các lưu ý khi ký kết Hợp đồng vay tiêu dùng

2022-03-21 14:27:02

Trong hợp đồng vay tiêu dùng, cần lưu ý những gì để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng

Cho vay tiêu dùng phát triển vô cùng mạnh mẽ trong những năm gần đây; việc hiểu rõ về việc ký kết hợp đồng là một kiến thức vô cùng quan trọng, nhằm tránh những rủi ro tín dụng có thể phát sinh và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Trong khuôn khổ bài viết này, FastMoney sẽ trích dẫn các hướng dẫn cụ thể về các lưu ý khi ký kết hợp đồng vay tiêu dùng, được soạn thảo bởi Bộ Công Thương.

Hình thức và nội dung tối thiểu của Hợp đồng cho vay tiêu dùng được quy định cụ thể tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN ngày 04 tháng 11 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN).

1. Về hình thức: 

Hợp đồng cho vay tiêu dùng phải được lập thành văn bản (Khoản 1 Điều 10) 

Đây là lưu ý đầu tiên trước khi NTD có ý định tham gia loại hình giao dịch mới này. Hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và TCTD là hợp đồng dân sự giữa các bên. Khi pháp luật chuyên ngành đã quy định cụ thể rằng “phải được lập thành văn bản” thì mọi hình thức giao kết khác (bằng lời nói, hành vi cụ thể...) sẽ dẫn đến việc hợp đồng đó vô hiệu về hình thức theo quy định của pháp luật dân sự.

Ngoài ra, thông tư cũng quy định rõ ràng về việc hợp đồng cho vay tiêu dùng quy định tại khoản 1 và 2 Điều 10 được lập dưới hình thức hợp đồng cho vay cụ thể (đối với cho vay từng lần) hoặc hợp đồng hạn mức và hợp đồng cho vay cụ thể (đối với cho vay theo hạn mức) (Khoản 3 Điều 10).

2. Về nội dung:

Các nội dung tối thiểu của Hợp đồng cho vay tiêu dùng được quy định cụ thể tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 Thông tư 43/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN). 

Khi nhận được dự thảo hợp đồng do TCTD cung cấp, NTD cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng trước khi quyết định giao kết, trong đó cần lưu ý và cân nhắc kỹ một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Ví dụ:

  • Thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức;
  • Lãi suất cho vay, thời điểm xác định lãi suất, phương pháp tính lãi;
  • Các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính;
  • Các loại phí khác mà NTD phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định);
  • Theo quy định tại hợp đồng, NTD có được gia hạn nợ hay không? Gia hạn như thế nào? Cách tính lãi và các khoản phí liên quan trong trường hợp này...
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên có cân bằng hay không? Có điều khoản nào gây bất lợi cho khách hàng hay không?
  • Chế tài xử lý vi phạm hợp đồng...

3. Về nghĩa vụ của các công ty tài chính đối với NTD liên quan đến hợp đồng cho vay tiêu dùng:

Phù hợp với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12, Thông tư 43/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN) cũng quy định cụ thể về việc các công ty tài chính có nghĩa vụ phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký và phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng (Khoản 4 Điều 10).

Ngoài ra, tại Khoản 5 Điều 20 Thông tư này quy định về trường hợp các công ty tài chính sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung để giao kết hợp đồng cho vay tiêu dùng với khách hàng, công ty phải thực hiện:

  • Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính;
  • Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được công ty tài chính cung cấp đầy đủ thông tin.”